Tích kể lại rằng:
Khương Tử Nha, vốn là người phương đông, từng làm nghề giết trâu bò ở kinh đô Triều Ca nhà Thương, lại từng bán rượu trên bến Mạnh Tân, tuổi đã quá 60 mà vẫn nghèo khổ lưu lạc chỉ có một chí khí hơn người. Sau ông ra làm quan cho Trụ Vương, cứu giúp dân lành, cũng cưới vợ ở cái tuổi thất thập cổ lai hy. Nhưng vì vua vô đạo mà Đắc Kỷ có ý hại nên ông lội sông trốn chúa, vợ ông Mã thị cũng từ đó bỏ ông mà đi. Thất thế, Tử Nha ẩn mình nơi Bàn Khê đợi gặp chúa hiền.
Bàn Khê là một thung lũng hẹp, nằm giữa hai ngọn núi cao của Tần Lĩnh, cũng được gọi là Phàm Cốc. Chung quanh núi non xanh rì, mây bay mù mịt. Một con sông có tên là Phạt Ngư Hà, từ giữa hai ngọn núi uốn lượn chảy qua, tiếng nước róc rách suốt ngày, rồi tiếp tục chảy thẳng đến phía Bắc để hoà vào dòng sông Vị Thủy. Bên cạnh Phạt Ngư Hà có một dòng suối tên gọi Tư Tuyền, nước trong leo lẻo, sóng gợn lăn tăn. Núi non nơi đây rất hùng vĩ, tùng bách mọc xanh um, cảnh trí vô cùng xinh đẹp, trang nhã, lại yên tĩnh rất phù hợp cho hiền sĩ ẩn cư.
Ngày ngày ông ra ngồi gieo câu sông Vị chờ thời, đói ăn trái cây, khát uống nước suối, vui thì xem kinh luyện phép , buồn thì câu cá giải khuây, cái tên Khương Thái Công hay Lã Vọng ra đời từ đó. Ông hay ngồi câu cá mà không dùng mồi, có người hỏi vì sao thì ông đáp: Ta không dùng lưởi câu cong này để câu cá câu tôm, chỉ dùng lưỡi câu ngay để câu thời câu vận
Người đời làm thơ khen ông:
Bỏ trốn Triều Ca lánh thị thường
Ðưa dân khỏi ải thật thần tiên
Gieo câu sông Vị chờ qua vận
Uống nước Bàn Khê đợi gặp duyên
Võ Kiết ra tay người chỉ ngõ
Phi Hùng ứng mộng chúa cầu hiền
Tám mươi mới đặng yên công nghiệp
Ra giúp nhà Chu sửa mối giềng
Vào một ngày đẹp trời nọ, Chu Văn Vương đi săn, lên núi thấy Khương Tử Nha ngồi câu cá với một lưỡi câu thẳng. Thấy lạ, Chu Văn Vương mới hỏi: "Ông lão, sao câu cá bằng lưỡi câu thẳng thế thì câu sao được?". Khương Tử Nha mới trả lời: "Lưỡi câu bình thường chỉ câu được cá, lưỡi câu này mới câu được minh chủ." Thấy vậy Chu Văn Vương mới đem những chuyện thế cuộc ra hỏi, quả nhiên Khương Tử Nha trả lời thông suốt cho thấy những kiến giải siêu phàm. Văn Vương phải thốt lên: Trẫm chờ Thái Công đã lâu lắm rồi. Bởi thế Khương Tử Nha mới có hiệu là Thái Công Vọng. Văn Vương dùng lễ mà đối đãi, mời Khương Tử Nha về làm Quân sư.
Người đời có thơ rằng:
Kìa là chuông trống nọ đờn ca
Ấy lễ Văn Vương rước Tử Nha
Cơ nghiệp nhà Chu gần sửa trị
Tám trăm năm lẻ thảy âu ca
Quả nhiên Khương Tử Nha không phụ sự kỳ vọng của Văn Vương, ông hiến cho Văn Vương rất nhiều mưu hoạch. Sử gọi là: "Thiện hạ chia ba, hai phần theo về với Chu, phần lớn là nhờ mưu kế của Thái công". Trong khi cuộc chiến đấu lật đổ chính quyền nhà Thương còn dang dở thì Chu Văn Vương qua đời, Khương Tử Nha tiếp tục phò vua Chu Vũ Vương (là Cơ Phát, con của Cơ Xương lên nối ngôi) đánh tan nhà Thương, lật đổ Trụ Vương, góp phần lập lên triều đại nhà Chu. Khương Tử Nha được phong làm Tướng Quốc. Từ đây thiên hạ thái bình, cơ nghiệp nhà Chu truyền được thêm 800 năm nữa. Khương Thái Công thực công lớn không kể hết, tiếng thơm để lại muôn đời, con cháu ông cũng thay nhau cai trị nước Tề thịnh trị mãi về sau.
Sưu tầm bởi www.dogophongthuy.com.vn
Viết bình luận