Vài nét về làng nghề mộc truyền thống Đông Giao
Ở nước ta có rất nhiều làng mộc nổi tiếng, trong đó có làng chạm khắc gỗ Đông Giao (Lương Điền - Cẩm Giàng - Hải Dương). Làng Đông Giao với lịch sử phát triển nghề chạm khắc hơn 300 năm đã sớm nổi tiếng khắp trong nước và quốc tế.
Đông Giao thời Lê là một xã trong số 7 xã của tổng Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Cuối thời Nguyễn, Đông Giao vẫn đứng riêng biệt một xã gồm 3 thôn : Sở, Chay và Đông Tiến. Năm 1948, do chủ trương thực hiện liên xã của tỉnh, Đông Giao hợp với các thôn Bến, Thái Lai, Bái Dương, Ải, Bối Tượng, Lường Xá, Đông Khê, Cầu Dốc thành xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Theo Đại Việt Dư địa chí: “Đông Giao có diện tích 527 ha, phía Bắc giáp xã Đồng Khê, phía Đông giáp xã Thái Lai, phía Nam giáp xã Thượng Cuông thuộc phủ Bình Giang, phía Tây giáp xã Thuần Mỹ huyện Mỹ Hào”.
Thợ Đông Giao có sự khéo léo, thông minh với bản chất cần cù chịu khó nên qua thời gian, họ đã không ngừng sáng tạo, cải tiến mẫu mã, nâng cao tay nghề. Đặc biệt trong cơ chế thị trường hiện nay họ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo nên những sản phẩm chạm khắc gỗ vô cùng phong phú đa dạng.
Nếu như trước đây là đồ gia dụng (bàn ghế, giường tủ...) và đồ thờ cúng (ngai ỷ, hương án, bát bửu...) thì nay người thợ sản xuất cả những sản phẩm mỹ thuật nội thất mang phong cách phương Nam (tủ chùa, sa lông, gạt tàn thuốc lá, con giống trang trí các loại...). Đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu cho các nước : Đài Loan, Hồng Công, Singapo,Thái Lan, Trung Quốc... phải được thể hiện trau chuốt hơn, đa dạng hơn theo yêu cầu khách hàng. Đến nay, chỉ tính riêng tại thành phố Hồ
Chí Minh, làng nghề chạm khắc Đông Giao đã có tới gần 30 cửa hàng lớn, có đủ khả năng bao tiêu và xuất khẩu ra nước ngoài mang lại nguồn thu nhập ngày càng cao cho các gia đình.
Sản phẩm chạm khắc gỗ Đông Giao hội tụ, kết tinh những giá trị tinh tuý nhất của các yếu tố văn hoá mà người thợ Đông Giao đã gửi gắm vào đó. Vì vậy, với thị trường, sản phẩm chạm khắc gỗ Đông Giao là cầu nối, là hạt nhân tạo nên mối quan hệ biện chứng tất yếu giữa kinh tế - văn hoá và phát triển. Trong nhiều nguyên nhân để Đông Giao tồn tại đến ngày nay thì sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm chạm khắc gỗ giữ vai trò cốt yếu.
Chạm khắc gỗ là một nghề thủ công đặc biệt, nó không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa về giá trị kinh tế mà nó còn là một nghề mang nặng giá trị về Văn hoá - nghệ thuật, vì qua đó nghệ nhân đã khắc hoạ được khát vọng của con người, tư duy con người và sự cảm nhận nghệ thuật của con người. Đồng thời qua đó đã lưu lại được những sắc thái Văn hoá quê hương, bản sắc Văn hoá dân tộc nói riêng và cũng qua đó, thể hiện được cái riêng của nền văn minh phương Đông.
Muốn làm được nghề chạm, dù chỉ là chạm khắc đồ thờ các loại, người phó nhỏ ngày xưa phải đầu tư học việc hàng chục năm mới có thể lành nghề. Biết kỹ thuật chạm khắc rồi phải nhớ các lối, các hoạ tiết, các đề tài. Học nghề chạm khó hơn nhiều so với các nghề thủ công khác vì đây là nghề kỹ thuật gắn liền với mỹ thuật cao. Người thợ không chỉ có sức khoẻ tốt, bàn tay khéo léo, kiên trì mà còn phải có khả năng mẫn cảm, tái hiện đề tài theo mẫu và sáng tạo mẫu mới. Để hoàn thành một bức chạm có thể mất hàng tháng là chuyện bình thường, nếu không kiên trì thì không thể theo nghề được.
Viết bình luận