Vài kiến thức về tượng và cách chơi tượng gỗ

Vài  kiến thức về tượng và cách chơi tượng gỗ

Theo những người được coi là "sành" chơi đồ gỗ mỹ nghệ thì một bức tượng gỗ được coi là có gí trị thì phải mang đậm tính triết lý phương Đông, cụ thể là phải tuân thủ theo quy luật Âm Dương - Ngũ Hành và thuật phong thuỷ. Trong Kinh Dịch (có cả luật Âm Dương - Ngũ Hành và thuật phong thuỷ) thì không gian có 8 cung, 24 sơn với các hành tương ứng được thiết lập trên cơ sở giữa 3 yếu tố Thiên - Địa - Nhân (trời - đất - người). Theo quan niệm của người Trung Hoa cổ đại thì trong 3 yếu tố trên con người là một thực thể nhạy cảm và mong manh nhất trong vũ trụ nên từng yếu tố nhỏ về độ, hướng, không gian, thời gian sinh tồn đều ảnh hưởng đến cuộc sống, số phận của mỗi người. Thú chơi tượng gỗ phỏng theo Âm Dương - Ngũ Hành để thuận theo phong thuỷ phải tuân thủ một cách chặt chẽ về cả chất liệu, kích thước, cách sắp đặt, màu sắc sao cho đúng với 8 quẻ trong bát quái. Chẳng hạn như hướng Nam theo bát quái là âm Hoả, có tính nóng nên phù hợp với các màu rực rỡ như đỏ, vàng; ứng với mùa hè và cung Danh Vọng. Hướng Tây là âm Kim phù hợp với các màu sáng, trắng và ứng với mùa thu và cung Quí Tử (con cái). Còn hướng Bắc vốn là dương Thuỷ, phù hợp với các màu tối như đen, tro, nâu thẫm; ứng với mùa đông và cung Sự Nghiệp... Ngoài ra, việc đặt các bức tượng ở các vị trí phù hợp là hết sức quan trọng, nó ảnh hưởng đến sức khoẻ, sự nghiệp, tài lộc, tài trí... của chủ nhân. Theo đó một số vị thần, danh nhân văn hoá, quân sự được những người chơi tượng gỗ đặt vào trấn giữ các cung trong bát quái của Kinh Dịch. Những người chơi tượng gỗ thường đặt tượng Di Lặc Phật Tổ vào cung Phú Quý trong nhà; tượng Khổng Tử, Khổng Minh, Chu Văn An vào cung Trí Thức; cung Quý Nhân đặt tượng Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, Quan Công, Đạt Ma Tổ Sư...; cung Phu Thê đặt tượng một thiếu nữ... 

Người chơi tượng gỗ cũng hết sức chú trọng đến màu sắc của tượng, coi đây như là phần quan trọng cho cuộc sống tinh thần của mỗi người. Bức tượng đặt trong từng cung và hướng cung cũng tuân thủ theo nguyên tắc màu sắc cho cung, vị trí đó. Nếu là hướng Đông Nam là âm Mộc ứng với cung Phú Quý, phải đặt tượng gỗ có màu tối; hướng Tây Bắc là dương Kim ứng với cung Quý Nhân có thể đặt tượng gỗ bọc kim loại hoặc có chút kim loại trên tượng. Theo thuật phong thuỷ, về kích thước của tượng cũng phải được tuân thủ một cách chặt chẽ. Ngoài việc căn cứ vào diện tích nơi đặt tượng sao cho hài hoà còn phải theo đúng ý nghĩa tên của từng phần trong thước Lỗ Ban (một nhà toán học cổ đại Trung Hoa). Thược Lỗ Ban có 5 loại, căn cứ chặt chẽ theo thuật số, tương sinh - tương khắc - tương hình. Tương ứng với các kích thước tượng có những ý nghĩa khác nhau như Hưng Vượng, Phú quý, Đăng Khoa, Tiến Bảo... Chỉ cần sai lệch một chút về kích cỡ hơn kém 1cm, bức tượng có thể đang từ cung đầy ý nghĩa như Phú Quý sang cung Cô Quả (cô độc). Chỉ khi đáp ứng đủ những quy tắc chặt chẽ trong Kinh Dịch như vậy thì giá trị một bức tượng gỗ mới toàn vẹn và mang lại sự yên tâm, cho chủ nhân. Trí lực của các nghệ nhân Chất liệu để làm nên tượng gỗ cũng rất đa dạng, tuỳ theo quan niệm và sở thích của người chơi. Theo nghệ nhân Ninh Đức thắng (90 tuổi) ở làng nghề tạc tượng cổ truyền la Xuyên (Nam Định) thì gỗ làm tượng có hàng chục loại, nhưng thông thường người ta chia làm 2 loại theo mục đích sử dụng khác nhau. Làm tượng thẩm mỹ dùng các loại gỗ mun, trắc, sưa, hương hoặc rẻ tiền hơn thì là thông, bạch đàn. Nếu làm tượng theo thuật lý số, phong thuỷ thì ở Việt Nam phổ biến là làm tượng bằng gỗ mít vì gỗ này có thể thay đổi màu sắc theo thời tiết và được nhiều người ưa chuộng. Để chọn được một cây gỗ quý làm ra vài ba bức tượng thì phải mất tới vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Vì vậy để chế tác thế nào không lãng phí gỗ mà đạt yêu cầu tuân thủ theo triết lý phương Đông đòi hỏi người thợ phải giàu kinh nghiệm, bàn tay tài hoa và óc thẩm mỹ tốt. Bởi gỗ cũng là một sinh vật thuộc giới hữu cơ nên để có thể hoà hợp được với các chất hoá học như véc ni thì phải biết cách chế biến, mà cơ bản nhất là luộc và sấy. Trước khi tạc tượng, gỗ phải được đem luộc để làm chết các tế bào hữu cơ để tăng độ bền và cho nguyên sinh chất tiết ra ngoài. Sau công đoạn này, trong các thớ gỗ lộ ra các đường mao dẫn giúp sau này các chất véc ni bám chặt hơn. Trong lần luộc thứ 2, phải cho thêm hoá chất để bức tượng sau này thích nghi với thời tiết khí hậu. Khâu tiếp theo để gỗ đạt chất lượng là sấy chân không. Nói tóm lại, để có gỗ làm tượng phải mất một tháng rưỡi luyện gỗ. Trong quy trình làm một bức tượng thì tốn công sức và đòi hỏi trí tuệ của nghệ nhân nhất là "thổi hồn" cho bức tượng. Có những bức tượng, nghệ nhân phải dùng đến 5 loại giấy ráp và hàng chục ngày công. Tinh hoa của nghệ nhân đổ hết vào đây, nên đường, nét thân sắc, hồn của tượng mỗi nghệ nhân làm một khác. Cũng tuỳ theo thời gian và cảm hứng sáng tạo của mỗi nghệ nhân mà cùng một người làm nhưng mỗi bức có một giá trị nghệ thuật riêng. Chính vì cái đó đã tạo cho tượng gỗ nghệ thuật có vẻ đẹp và sự đa dạng khác với các thú chơi khác. 

Khả năng chơi tượng cũng còn căn cứ vào trình độ văn hoá - thẩm mỹ cũng như khả năng tài chính của mỗi người chơi. Trên thị trường hiện nay có 4 cấp độ tượng gỗ mỹ nghệ. Loại cao cấp nhất, độ ẩm của gỗ chỉ ở mức dưới 10% do thợ có trình độ bậc 7 hoặc các nghệ nhân làm. Loại này được gia công và độ tinh xảo cao trên toàn thân tượng, có thể nói là hoàn mỹ. Loại này được làm theo thuật phong thuỷ, từng đường nét tuân thủ nghiêm ngặt theo triết lý phương Đông, nó có tác dụng nhất định về mặt trường sinh học. Có những bức tượng Di Lặc Phật Tổ loại này lên tới 50 - 70 triệu đồng/ bức. Loại thứ 2, là những bức tượng do thợ có tay nghề bặc 5 - 7 chế tác, gỗ có độ ẩm từ 10 - 15%. Sản phẩm được gia công bên ngoài và bên trong, đầu cuối gần tương đương nhau. Tỷ lệ tượng cũng tuân thủ theo thước Lỗ Ban và phải đánh véc ni đúng 8 lần, một ngày đánh một ngày phơi trong vòng già nửa tháng. Loại thứ 3 và thứ 4, kích thước tuỳ theo nhu cầu của khách, gỗ không được luộc và sấy, không theo thuật lý số và phong thuỷ. Những sản phẩm này do thợ bậc thấp làm và chất liệu gỗ không được bền như loại 1 và 2. Theo những người "sành" và chuyên chơi tượng gỗ thì không phải ai cũng biết chơi và hiểu hết được ý nghĩa triết lý của tượng gỗ. Để có được những bức tượng quý đặt ở những vị trí đắc địa thì không những có khả năng về tài chính mà phải hiểu sâu rộng về thuyết Âm Dương - Ngũ Hành, Bát Quái trong Kinh Dịch và thuật phong thuỷ phương Đông. Nhưng để hiểu hết được những điều này thì phải cần rất nhiều thời gian và khả năng trí tuệ nhất định của mỗi người. 

www.dogophongthuy.com.vn

Được đăng vào

Viết bình luận