Thú chơi lộc bình (bây giờ người ta quen gọi là lục bình) đang rất phổ biến ở Đắc Lắc. những cây gỗ quý, thân to ở địa bàn các huyện Krông Năng, Ea H’leo, Buôn Đôn, Ea Súp... thuộc tỉnh Đắc Lắc liên tục bị triệt hạ để phục vụ cho thú chơi này.
3 Lộc bình phổ biến đến mức cũng hiện diện trên đường phố trung tâm TP Buôn Ma Thuột. Những chiếc lộc bình giả được dùng làm trang trí trên đường Nguyễn Tất Thành -
Thú chơi lộc bình đã có từ xưa tại các tỉnh ở Tây nguyên, thế nhưng thời gian gần đây nó bắt đầu rộ lên khi điều kiện sống tốt hơn. Hơn cả một thú chơi, lộc bình đã trở thành một nét văn hóa của thành phố cao nguyên này nên tại đại lộ Nguyễn Tất Thành - con đường trung tâm của Buôn Ma Thuột - chính quyền sở tại đã cho làm những chiếc lộc bình giả to cao, ôm trọn đế của trụ điện để trang trí như một nét đặc trưng riêng.
Tại TP Buôn Ma Thuột thật dễ dàng nhìn thấy những cặp lộc bình được người dân mang ra để ngay cửa kính nhà mình, rồi rất nhiều tiệm bán đồ gỗ mỹ nghệ chất đầy mặt hàng chính và giá trị nhất là những cặp lộc bình. Chỉ những cây gỗ có thân to, thẳng mới làm ra được lộc bình. Lộc bình được chơi theo cặp và tùy theo túi tiền mà người ta chọn cặp nhỏ, trung, lớn, đại... Rõ ràng việc chơi lộc bình đã trở thành niềm say mê của người dân nơi đây.
Đẳng cấp
Tên gọi nguyên gốc lộc bình có ngụ ý là chiếc bình mang lộc. Để có được lộc bình phải có những thân gỗ to, tốt, có đường vân để các nghệ nhân chế tác thành hình dáng một chiếc bình. Toàn thân lộc bình là khối gỗ đặc ruột, chỉ trên miệng bình mới khoét lõm sâu vào trong thớ gỗ một đoạn ngắn.
Theo lời anh N.Q.K. (thị trấn Ea Súp, tỉnh Đắc Lắc) - người đang sở hữu cặp lộc bình cao 1,4m bằng gỗ chiu liu được dùng làm cột ngay chân cầu thang nhà mình thì: “Cái đoạn lõm ở miệng lộc bình ngày trước dùng để đựng những đồng tiền được tặng nhân dịp lễ, tết như để giữ lộc. Các cụ để lộc bình trong nhà cầu phước lộc, may mắn và thể hiện sự quyền quý, cao sang”.
Tại thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) cũng như tại “trung tâm lộc bình” của Đắc Lắc là Buôn Ma Thuột, hầu như nhà nào cũng có một cặp lộc bình từ nhỏ đến lớn để chưng trong nhà. Những cặp lộc bình vừa phải, cao 1,4-1,6m, đường kính khoảng 40cm tùy loại gỗ có mức giá dao động 3-6 triệu đồng. Theo ước tính của những tay chuyên tiện lộc bình, một khối gỗ chỉ làm được một cặp lộc bình cao 1,8m, đường kính 60cm.
Người ta chỉ chọn phần thân đẹp nhất của cây gỗ để làm lộc bình, phần còn lại làm củi. Với những loại lộc bình được làm bằng thủy tùng, gỗ hương, trắc, gõ thì giá cả càng cao hơn nữa, hàng chục triệu đồng là chuyện thường. Lộc bình chơi ở vân gỗ, vân càng đẹp giá càng cao.
Anh Tuấn, một người mê lộc bình có tiếng ở Buôn Ma Thuột, cho biết anh đang lùng mua trọn bộ sưu tập lộc bình bằng gỗ hương cho căn nhà mới của mình. Đối với lộc bình, anh có thú “săn” từ bé đến lớn, từ cặp lộc bình dạng nhỏ như bình hoa đến những loại cao hơn 2m hoặc 3m để đặt trong phòng khách. Anh phân tích: “Chơi lộc bình phải kết hợp với nhiều thứ khác như không gian của phòng, bàn ghế, tủ tường, trần nhà và cả màu gỗ lát tường nữa. Tất cả kết hợp với nhau mới tạo nên sự đẹp mắt, hoành tráng cho căn nhà”.
Tùy “gu” của khách hàng, lộc bình có nhiều hình dạng khác nhau, được khảm trang trí bằng hình tứ linh, 12 con giáp hay khảm xà cừ vào thân, nhưng loại được ưa chuộng nhất vẫn là loại đơn giản, có vân gỗ tự nhiên, không đục đẽo...
Xưởng chế tác
Tại thị trấn Ea Súp, chúng tôi gọi điện cho Chánh, người chuyên làm lộc bình tại đây, ngỏ ý muốn xem một số cặp lộc bình gỗ quý. Chánh dẫn chúng tôi đi vòng vèo mấy con ngõ vào trong một căn nhà gỗ để cặp lộc bình gỗ chiu liu. Cặp lộc bình đen tuyền cao 1,8m, đường kính khoảng 60cm có vân rất đẹp. Sau đó, anh ta lại dẫn chúng tôi tới một cửa hàng điện thoại di động có bày 3-4 cặp lộc bình. Đây là “cửa hàng phân phối” của Chánh. Mẫu để khách hàng xem là những loại gỗ ít bị nhòm ngó như chiu liu hay bồ kết.
Một số cặp lộc bình gỗ hương, cẩm lai, gõ... có giá cao được Chánh gửi đi cất ở nhiều nơi, khi nào khách cần mua sẽ được đưa đến tận nơi xem hàng. Vì theo lời anh Hải, người đưa chúng tôi đi tìm hiểu về lộc bình, thì: “Thời gian gần đây, tình hình căng nên anh em làm lộc bình rút vào trong các buôn hoặc ngay trong rừng để chế tác. Làm xong họ mới cho xe tải vào bốc đưa đi các nơi để tránh bị công an hay kiểm lâm hốt”.
Làm thế nào để có nhiều gỗ quý, thân to như vậy để làm lộc bình, Chánh cho hay “ở xứ gỗ này, muốn làm ăn phải hiểu ý, phải “làm luật” mới sống được. Gỗ mình mua một số có hóa đơn, còn đa số là gỗ lậu, chứ gỗ nào cũng có hóa đơn, bọn này ăn cám à!”.
Từ thị trấn Ea Súp đi chừng 5km vào xã Ea Lê, hỏi nhà Dũng - Hợp làm lộc bình thì ai cũng biết. Dũng là tên cha còn Hợp là tên con, nổi tiếng vì chỉ chuyên trị làm lộc bình và cũng thường đánh những mối hàng lớn đi Buôn Ma Thuột, TP.HCM. Trong nhà Dũng nhìn đâu cũng thấy lộc bình bằng rất nhiều loại gỗ. Quanh nhà, vách tường chỗ nào cũng thấy gỗ xếp đống chờ tiện thành lộc bình.
Trong căn nhà gỗ chật hẹp của Dũng - Hợp có hàng chục cặp lộc bình lớn nhỏ để khách lựa chọn. Trung bình mỗi ngày hai cha con Dũng - Hợp tiện một cặp lộc bình loại lớn theo đơn đặt hàng hoặc cứ làm ra chờ mối đưa đi.
Ở khu vực này có hàng chục người làm lộc bình như Dũng - Hợp nhưng phải là người có mối quen, hàng phải “thông” mới đắt hàng. Hàng làm xong, nếu bán cho dân trong huyện thì họ đến tận nơi chở về nhà. Khách hàng ở xa sẽ có mối xe hàng chở đến tận nhà, tiền xe khách trả. “Ở đây ai cũng vậy, cứ giao tiền là hàng đảm bảo về tận nơi. Tôi đã làm hàng trăm cặp rồi chứ phải mới làm đâu mà sợ” - Dũng nói.
Còn Châu, chủ một cửa hàng bán lộc bình trên đường Phan Chu Trinh (Buôn Ma Thuột), cho biết lộc bình muốn bao nhiêu cũng có nhưng phải “ém” lại trong xưởng và một số nơi để khỏi bị bắt. Châu nói: “Tôi thường xuyên đánh hàng đi Sài Gòn để bán, mỗi chuyến độn 2-3 cặp, đưa đến tận địa chỉ mới lấy tiền”.
Rồi Châu nói chắc như đinh đóng cột: “Nếu bị “chụp”, anh cứ điện cho tôi. Tôi sẽ mang hóa đơn đến chỗ anh, không lo mất hàng đâu”.
www.langnghedonggiao.vn
Viết bình luận