Sự thiên biến vạn hóa của Đạt Ma Sư Tổ
Giữa nhịp sống phát triển vũ bão như hiện nay, rất nhiều người vẫn có một thú vui tao nhã, đó là sưu tầm Đạt Ma Sư Tổ. Bộ sưu tập Đạt Ma Sư Tổ bao gồm các bức tranh, tượng gỗ hoặc các chất liệu khác… Đạt Ma Sư Tổ có gì để người ta thích sưu tầm đến thế ? Đó là Ngài có muôn hình vạn trạng.
Một trong những thú vui của các nhà sưu tầm Đạt Ma Sư Tổ là thoạt nhìn tác phẩm thì thấy ra dữ nhưng càng nhìn, tâm lại càng rất bình an. Tổ Sư Đạt Ma là người Nam Ấn Độ vốn tên là Bồ Đề Đa La, sau này đổi thành Bồ Đề Đạt Ma. Vì từng truyền võ nghệ cho chư tăng của chùa Thiếu Lâm, cho nên được tung xưng là Nhất Đại Tông Sinh. Đạt Ma Sư Tổ là vị Tổ sư đời thứ 28 và cuối cùng sau Phật Thích Ca Mâu Ni của Thiền tông Ấn Độ và là Sư Tổ của Thiền tông Trung Quốc.
Những truyền thuyết quanh Đạt Ma Sư Tổ rất nhiều, và hiện thân của Ngài thì vô số kể. Một điểm rất đặc biệt của Đạt Ma Sư Tổ là Ngài không có mi mắt. Trong lúc thiền, Ngài sợ buồn ngủ nên cắt mi mắt đi, thảy xuống đất, mi mắt rớt xuống đâu là cây trà mọc lên tới đó. Với Đạt Ma Sư Tổ, một số người mới nhìn là thấy sợ liền, nhưng càng nhìn càng bị cuốn hút, càng nhìn càng như bị thôi miên bởi cái vẻ vừa đời vừa thánh của Ngài. Một phần do xuất thân từ Ấn Độ nên khuôn mặt của Ngài với bộ râu xồm luôn toát ra vẻ siêu thoát oai phong. Kèm theo là chiếc áo choàng và bàn chân đi đất mang theo chút hoang dã. Cũng vì vậy mà không chỉ ở Châu Á mà với Châu Âu, Ngài cũng được mọi người yêu mến. Họ thỉnh Ngài về không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo mà đôi khi chỉ thuần chất là nghệ thuật.
Đạt Ma Sư Tổ đại diện cho tầng lớp trí tuệ, dùng cái tĩnh để có trí tuệ nên có rất nhiều người đam mê và sưu tập Ngài. Tại sao không phải một vị nào khác mà lại là Đạt Ma? Vì Đạt Ma có nhiều hiện thân vượt qua khỏi chức năng thờ tự mà trở thành một hình tượng nghệ thuật. Đạt Ma có vô số hiện thân, vì thứ nhất, Ngài đã có vai trò là Phật nhưng chưa được là Phật. Thứ hai, vì Đạt Ma là ông tổ của 3 nghề chính: Tổ Thiền Tông, Tổ Thiếu Lâm và Tổ Cây Trà. Và cuối cùng, trong Đạt Ma có cả chất Tĩnh – Động, Âm – Dương, Thiền – Võ nên Đạt Ma Sư Tổ thiên biến vạn hóa tùy theo sức sáng tạo của con người.
Có nguồn kể lại rằng, Đạt Ma Sư Tổ bị đi trễ trong lễ truyền thừa, vì thế Ngài chưa được là Phật, nên việc con người sáng tạo ra nhiều hiện thân cho Đạt Ma không bị mắc tội. Điều đó cũng giải thích tại sao Ngài luôn được để ở cổng sau của các chùa.
Ánh mắt kì lạ của Ngài là biểu hiện quan trọng nhất. Ánh mắt sắc lạnh, lúc nào cũng trợn trừng nhưng lại đong đầy cảm giác từ bi hỷ xả. Ánh mắt tuy nghiêm nghị nhưng rất dễ gần. Miệng Ngài hay cười, có khi mím môi nhưng rất thân thiện. Đặc biệt Bông tai và Vòng đeo chân là những món đồ trang sức đặc trưng của truyền thống Ấn Độ. Nhìn vào là biết người trong hoàng cung Ấn Độ xưa.
Chiếc giày là hình ảnh phổ thông người ta hay nhìn thấy về Ngài ở Việt Nam. Khi Đạt Ma rời khỏi Thiếu Lâm, để lánh chuyện đời, ông giả vờ chết và được chôn cất cẩn thận. Sau đó có nhiều người thấy ông đi về phía Tây với một chiếc giày trên đầu quải trượng. Quân nhà Lương không tin bèn khai quật mộ Đạt Ma lên, thấy trong quan tài chỉ có một chiếc giày cỏ còn lại mà thôi. Tương truyền rằng khi tới bờ sông, ông bỏ lại nốt chiếc giày còn lại và đạp sóng qua sông trở về Tây Trúc.
Đến nay, cái chết của Bồ Đề Đạt Ma vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Có người nói, sau khi truyền giáo ở Trung Quốc, Đạt Ma quay trở lại Thiên Trúc và qua đời ở đây. Có người lại nói, Đạt Ma viên tịch tại Trung Quốc vào năm 536 và được chôn cất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người tranh cãi hơn cả chính là câu chuyện vị sư tổ thiền tông này bị đầu độc mà chết. Chuyện kể rằng, thời điểm Đạt Ma đến Trung Quốc truyền pháp, có một vị quốc sư nhà Bắc Ngụy là Bồ Đề Lưu Chi sinh lòng ganh ghét, thấy Đạt Ma nổi tiếng nên tìm mọi cách để hãm hại.Có lần, Lưu Chi sai người bỏ chất độc vào cơm của Đạt Ma, định hại chết ông. Đạt Ma biết trong cơm có độc nhưng vẫn ăn. Tuy nhiên, sau khi ăn, từ miệng Đạt Ma nôn ra một con rắn, nhờ thế mọi chất độc đều tiêu tan hết, Đạt Ma bình an vô sự.
Sau đó Lưu Chi cũng nhiều lần tìm cách hạ độc Đạt Ma, Đạt Ma vẫn biết, và lần nào cũng không hề hấn gì. Lưu Chi có ý sợ, nhưng lại càng nuôi dã tâm hại Đạt Ma bằng được. Khi chọn được Huệ Khả làm người kế thừa tâm ấn, Bồ Đề Đạt Ma nghĩ rằng công việc của mình tại Đông Thổ đã thành toàn; vì vậy, ngài quyết định không tự cứu mình nữa. Nên lần thứ 7, khi Lưu Chi sai người bỏ độc vào cơm của Đạt Ma, ngài vẫn ăn cơm như bình thường, nhưng lần này không có con rắn nào được nôn ra nữa. Đạt Ma cứ ngồi như vậy mà an nhiên tịch diệt. Hiên nay, Đạt Ma có ở 4 nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Đạt Ma Nhật Bản là Daruma được coi như 1 vị thần may mắn của người Nhật.
Mỗi tác phẩm lại mang một ý nghĩa riêng, một giai thoại hoặc một điển tích nào đó về Đạt Ma Sư Tổ. Vì thế, người sưu tầm phải có kiến thức uyên thâm về Phật học nói chung và Thiền học nói riêng mới cảm nhận hết ý nghĩa ấy. Trong “kho tàng” Đạt Ma của các nhà sưu tập, có những tác phẩm mà niên đại của nó lên đến hàng trăm năm tuổi, cũng có những tác phẩm mới tinh nhưng vẫn được chủ nhân của nó rất yêu mến vì là “hàng độc”, “hàng lạ”. Bởi họ quan niệm, “chơi” tranh tượng Đạt Ma không phải theo niên đại cổ hay kim, không phải là đắt tiền hay không có giá trị về mặt chất liệu, cũng chẳng phải đẹp hay xấu… mà là “chơi” bằng tinh thần, bằng cảm quan và niềm đam mê. Đạt Ma đã sống khác người vì dám từ bỏ cuộc sống sang giàu ở hoàng cung mà đi tu, nên người thổi hồn vào những tác phẩm Đạt Ma cũng phải có cá tính lắm. Khi đã hiểu như vậy thì cục đá cũng là Đạt Ma, bông hoa cũng là Đạt Ma…
Viết bình luận