Phát hiện bất ngờ: Hà Giang vẫn còn cây ngọc am

Nhà ông Lù Sào Tỉn khang trang, nằm ngay chợ huyện. Ông Tỉn năm nay 63 tuổi, người cao, gầy, lòng khòng, trông như ông lão 80. 

Ông Tỉn vốn là lái xe, về hưu thì hành nghề thầy cúng, chuyên đi làm ma cho gia đình có người chết.

 

 
 


Hỏi về cặp quan tài ngọc am, ông Tỉn trở nên rất hào hứng. Ông thắp nhang khấn vái tổ tiên, rồi dẫn chúng tôi xuống tầng hầm xem bộ áo quan của ông. Ông mở bạt, hai chiếc quan tài rất đẹp hiện ra. Tuy nhiên, tôi khá ngạc nhiên vì mùi hương không bốc lên đậm đặc như bộ quan tài của ông Trương và ông Lâm.

Theo như lời giải thích của ông Tỉn, thì bộ quan tài của vợ chồng ông được làm bằng gỗ ngọc am, chứ không phải ngọc am. Ngọc am là gỗ ngọc am nằm trong lòng đất hàng trăm, hàng ngàn năm tạo thành, còn quan tài của ông làm từ cây ngọc am mới chặt hạ, chưa thành ngọc am, nên không thơm. Chính vì thế, tác dụng ướp xác của bộ áo quan này cũng kém hơn so với quan tài của ông Trương và ông Lâm.

 

Quan tài của ông Tỉn không thơm vì được làm bằng gỗ ngọc am tươi.


Ông Lù Sào Tỉn kể, năm 1988, ông nghe tin ông Tang ở xã Tả Sử Choóng chặt hạ cây ngọc am trong vườn rừng nhà mình, lập tức ông tìm lên để hỏi mua. Tuy nhiên, ông Tang không bán, ông bảo để gia đình dùng dần.

Ông Tỉn không nản chí, nhiều lần vào xã thuyết phục, và vào năm 1989, ông Tỉn cũng mua được 9 tấm, đủ đóng 2 chiếc áo quan, cho hai vợ chồng ông. Ngày đó, kiểm lâm chưa quan tâm, cũng chẳng ai biết cây ngọc am là gì, nó cũng không có tên sách đỏ, do đó, ông mua và vận chuyển dễ dàng về nhà.

 

Rễ ngọc am trong tầng hầm nhà ông Tỉn.


Cách đây 5 năm, sức khỏe ông Tỉn kém hẳn. Là thầy cúng, nên ông đoán mình sẽ chết vào năm 59 tuổi. Thế là, ông đem 9 tấm gỗ đóng làm 2 chiếc áo quan, một cho ông và một cho vợ. Tuy nhiên, quan tài đóng xong, ông lại khỏe ra. Giờ đã 63 tuổi, dù gầy còm, song ông cảm thấy rất khỏe.

Trong suy nghĩ của tôi cũng như của các nhà khoa học, thì cây ngọc am đã tuyệt chủng từ cả trăm năm trước ở nước ta. Tuy nhiên, ông Tỉn đã cung cấp cho tôi một thông tin thú vị: Hiện ở Tả Sử Chóng vẫn còn 1 cây ngọc am nữa, rất lớn. Hồi vào Tả Sử Choóng mua mấy tấm gỗ, ông Tỉn đã trực tiếp nhìn thấy nó và nó to đến nỗi 3 người ôm mới xuể.

Mặc dù chẳng ai nhìn thấy cây ngọc am, song tôi vẫn mang niềm tin rằng, vẫn còn loại cây này, ít ra thì nó cũng nằm ở một nơi khuất lấp, chênh vênh trong đại ngàn Tây Côn Lĩnh. Dãy Tây Côn Lĩnh cao vời vợi, hiểm trở, mù sương, đâu phải chỗ nào con người cũng đã đặt chân được đến. 

 

Đỉnh Tây Côn Lĩnh ẩn hiện trong mây mờ, nơi từng là vương quốc ngọc am.


Chợt nhớ lại chuyến leo đỉnh Tây Côn Lĩnh vào cuối năm 2010 cùng hai thầy thuốc Trần Ngọc Lâm và Phạm Văn Thanh, tôi đã mang theo mình khát vọng một lần trong đời được thấy cây ngọc am. 

Trong cuộc xuống núi, Vàng Seo Vần và Vàng Dìn Lênh, hai anh chàng dẫn đường cho tôi, nhà ở bản Chúng Phùng (Túng Sán) đã dẫn chúng tôi đi theo đường khác. Con đường ấy đầy nguy hiểm, bởi phải qua hàng loạt bãi mìn nằm dưới chân núi mà bộ đội hai bên cài trong cuộc xung đột biên giới. 

Nhiều đoạn không dám đi vào rừng, mà cứ đi dọc con suối cạn trơ đáy. Vào mùa mưa, con suối chảy như lũ, nhưng mùa khô thì lại chẳng có giọt nước nào. Con suối này bắt nguồn từ gần đỉnh Tây Côn Lĩnh, đổ thẳng xuống suối Túng Quá Lìn. 

 

 
Ngọc am ẩn hiện ven suối và dưới lòng con suối bắt nguồn từ đỉnh Tây Côn Lĩnh.


Chúng tôi đi theo hướng con suối cạn nứt nẻ, nghỉ chân ăn trưa giữa khu rừng trúc bạt ngàn, xanh biếc. Do suối chảy mạnh vào mùa lũ, nên làm trơ ra những khúc gỗ, những gốc cây nửa chìm, nửa nổi trong đất.

Tôi ngồi trên tảng đá lắng tai nghe tiếng chim ríu rít. Ông Trần Ngọc Lâm và anh Phạm Văn Thanh vạch những bụi cỏ ven suối tìm thuốc quý. Anh chàng Vần rút chiếc dao đi rừng chém phầp phập vào một gốc lũa nhô lên khỏi lòng suối. Vần chặt chém một lát thì được một bó củi ném trước mặt tôi. Vần lấy củi này để nấu nướng.

Vần lấy bao diêm quẹt lửa, châm ngọn lửa leo lét vào đống củi. Thật lạ, đống củi bùng cháy như tẩm xăng, bốc mùi thơm ngào ngạt, mùi đậm hơn cả trầm hương. Tôi thấy mùi hương rất quen. 

Tôi nhặt một thanh củi đưa lên mũi, bỗng chột dạ, nhận ra đây là mùi hương tôi đã nhiều lần ngửi thấy trong những bận theo chân PGS. TS. Nguyễn Lân Cường khai quật những ngôi mộ hợp chất. Mùi của loại gỗ này chính xác là mùi của tinh dầu ngọc am trong các ngôi mộ hợp chất. TS. Nguyễn Lân Cường bảo rằng, ngọc am đã tuyệt chủng ở Việt Nam, không còn thấy loài cây này xuất hiện ở đâu nữa. 

 

Thầy thuốc Phạm Văn Thanh bên một gốc ngọc am đã chết từ hàng trăm năm trước.


Những thân ngọc am chết từ nhiều trăm năm trước, gốc chìm xuống lòng đất, phần vỏ mục ruỗng, để lại phần lõi vĩnh cửu với thời gian. Gió mưa, lở núi, xói mòn, những gốc ngọc am lộ ra khỏi lòng đất. Chính vì thế, chỉ những người có duyên lớn lắm mới gặp được. 

Nhưng không ngờ, trước mắt tôi, dưới lòng con suối cạn trơ đáy, hiện ra lổn nhổn những gốc ngọc am. Nếu đào lòng suối này lên, có thể thu được hàng ngàn gốc ngọc am quý hiếm. Cả cánh rừng ngọc am đã tuyệt chủng, những gốc cây lặn xuống lòng đất, rồi nước chảy xói mòn, tạo thành con suối, cuốn trôi lớp đất cát, những gốc cây này lộ ra. Cũng có thể do quá trình lở núi, lũ quét, những gốc ngọc am bị cuốn xuống suối và bị bùn đất nhấn chìm, lấp ló thò lên khỏi đáy suối. Chuyến đi đó, tôi đã lạc vào vương quốc của loài cây cực kỳ quý hiếm, nhưng đã bị coi là tuyệt chủng ở Việt Nam.

Thú thực, khi đó, tôi và lương y Phạm Văn Thanh hoa mắt với những gốc cây đặc biệt quý hiếm mà ở Hà Nội các đại gia sở hữu nó đều khoe tỷ nọ tỷ kia. Tôi và anh Thanh ra sức dùng dao đào bới. Anh chàng Vần trông thấy cười toe toét: “Nhà báo bê làm sao được xuống núi. Mà có đem được xuống núi cũng không mang về được đâu. Kiểm lâm và công an bắt đi tù đấy”. Nghe Vần nói thế, tôi và anh Thanh cụt hứng. Mặc dù cây ngọc am coi như đã tuyệt chủng, song chính quyền vẫn cấm khai thác, buôn bán, vận chuyển dù là mẩu gốc rễ. 

 

Anh Lênh và những hạt giống ngọc am.


Chuyến leo đỉnh Tây Côn Lĩnh ấy, điều ấn tượng nhất với tôi là “bí mật” của Lênh. Lúc xuống bản Chúng Phùng, Lênh nói nhỏ vào tai tôi: “Vẫn còn một cây ngọc am đấy, nhưng xa lắm, phải đi bộ 2 ngày mới tới. Nếu thích đi xem thì hôm nào trả tiền thuê ta, ta sẽ dẫn đi xem. Nhưng đừng kể với kiểm lâm là ta nói nhé, không ta bị đi tù đấy!”. 

Lênh nói với vẻ rất nghiêm trọng, rồi anh dẫn tôi ra giá phơi ngô trước nhà, chỉ vào đống quả đầy gai, trông như quả thông. Theo lời Lênh, đây là quả ngọc am mà Lênh mới hái từ cây ngọc am trong khe núi. 

Về thị trấn Vinh Quang, tôi dò hỏi chuyện cây ngọc am, song hầu hết mọi người đều cười bảo: “Làm gì còn cây ngọc am nữa, tuyệt chủng rồi!”. Có người thì nói: “Trong rừng Tây Côn Lĩnh vẫn còn một cây ngọc am, nhưng được các lực lượng chức năng bảo vệ nghiêm ngặt. Chính quyền đang bảo vệ cây ngọc am này như báu vật để nhân giống”. Tôi hỏi một đồng chí kiểm lâm, thì các đồng chí cũng lắc đầu bảo không biết cây ngọc am có còn hay không. Sau này, tôi mới biết, có lẽ kiểm lâm giấu, không muốn công bố sự tồn tại của ngọc am.

Thông tin vẫn còn một cây ngọc am do ông Tỉn cung cấp khiến tôi không thể không lên đường vào rừng để tận mắt…

Còn tiếp…

Được đăng vào

Viết bình luận