Sự thị hiện của Đức Quan Âm trong sắc tướng Đại Bồ tát cứu khổ thường được ghi nhận qua hình tướng Ba mươi ba thể Quan Âm. Trong số này có một số hình tướng không được ghi nhận trong Kinh điển mà được đưa vào theo sự tích cảm ứng gia trì cứu khổ cứu nạn của Ngài được lưu truyền ở dân gian.
Trong tác phẩm “Phật Tượng Đồ Hối” có minh họa hình tướng của Ba mươi ba thể Quan Âm như sau:
1. Dương Liễu Quan Âm: Quan Âm Bồ tát vì lợi ích và thuận theo nguyện vọng của chúng sinh mà thị hiện, cũng giống như cành Dương Liễu thuận theo gió bay phất phới. Trong Pháp tướng này, Đức Quan Âm an tọa trên mỏm núi đá, tay phải cầm cành Dương liễu, lòng bàn tay trái mở ra để ở trước ngực hoặc là tay trái cầm cái Tịnh bình. Tôn này tương đương với thân Dược Vương Quan Âm.
2. Long Đầu Quan Âm: Biểu hiện tư thế đứng thẳng hoặc tọa trong mây cưỡi đầu Rồng. Được cho là Hóa thân Trời, Rồng, Dạ Xoa trong 32 thân của Quan Âm để giáo hóa hàng Trời, Rồng. Bởi loài Rồng là Vua trong các loài thú, được ví như uy thần của Quan Âm.
3. Trì Kinh Quan Âm: An tọa trên tảng đá ghồ ghề, tay phải cầm quyển Kinh, tay trái để trên đầu gối. Được cho là tương ứng với thân Thanh Văn Quan Âm trong 32 ứng thân Quan Âm, Thanh Văn (Sravaka) là nghe âm tiếng do Đức Phật dạy bảo mà khai ngộ xuất gia. Trong Phẩm Phổ Môn nói: “Cần phải dùng thân Thanh Văn để hóa độ liền hiện thân Thanh Văn mà giảng pháp”. Bàn tay phải cầm quyển Kinh là Pháp tướng đặc trưng của Ngài.
4. Viên Quang Quan Âm: Trong ánh sáng lửa rực của hào quang chiếu khắp Pháp giới xuất hiện Sắc thân Quan Âm, hai tay chắp lại, an tọa trên mỏm núi đá. Trong Phẩm Phổ Môn có một đoạn Kinh văn nói:
Sáng thanh tịnh không nhơ
Mặt trời tuệ trừ ám
Hay trừ nạn gió lửa
Soi sáng khắp thế gian.
5. Du Hý Quan Âm: Tư thế du hý tự tại, không trì trệ, không trở ngại cho nên gọi như vậy. Ngài an tọa trên mây ngũ sắc, tay trái để ở cạnh rốn, tác tướng du hý tự tại trong Pháp giới vô ngại. Có ý kiến cho rằng thể Quan Âm này biểu thị cho đoạn Kinh văn sau trong Phẩm Phổ Môn, nói về chúng sinh bị tai nạn rớt xuống núi được sự cứu giúp của Bồ tát:
Hoặc bị kẻ ác rượt
Rớt xuống núi Kim Cương
Do sức niệm Quan Âm
Chẳng mất một mảy lông
- Bạch Y Quan Âm: Ngài khoác y áo mềm mại sắc trắng thanh tịnh, kiết già tĩnh tọa trên đám cỏ nơi tảng đá, tay kết ấn thiền định. Hình tượng này tương đương với thân Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni trong 32 ứng thân Quan Âm.
7. Ngọa Liên Quan Âm: An tọa trên tòa sen báu, tư thế chắp tay lại. Có ý kiến cho rằng đây là thân Tiểu Vương trong 32 ứng thân Quan Âm, ví như thân tôn quý của Tiểu Vương tọa, nằm trên hoa sen.
- Long Kiến Quan Âm: Còn gọi là Phi Bộc Quan Âm, tư thế dựa vào vách núi gãy, quán thác nước đổ. Cũng có ý kiến cho rằng Tôn này tượng trưng cho ý nghĩa của đoạn văn trong Phẩm Phổ Môn: “Nếu có chúng sinh nào bị xô vào hầm lửa lớn, xưng niệm tên Quan Âm, Bồ tát liền ứng theo âm thanh đó mà cứu, khiến cho thành lửa biến thành ao”.
9. Thi Lạc Quan Âm: An tọa bên bờ ao, chăm chú nhìn hoa sen, tay phải chống má tựa trên đầu gối, hoặc có người cho rằng Tôn này tượng trưng cho đoạn kinh văn sau trong Phẩm Phổ Môn:
Hoặc ở ngọn Tu Di
Bị người xô té xuống
Do sức niệm Quan Âm
Như mặt Trời trên không.
10. Ngư Lam Quan Âm: Chuyên trừ bỏ chướng ngại của La Sát, Rồng độc, Quỷ ác… Pháp tướng ấy cưỡi con cá lớn, hoặc là tay xách giỏ có con cá lớn. Có ý kiến cho rằng Tôn này tượng trưng cho đoạn Kinh văn sau trong Phẩm Phổ Môn:
Hoặc gặp La Sát dữ
Rồng độc, các loài Quỷ
Do niệm sức Quan Âm
Chúng đều không dám hại
Thể Quan Âm này tương đương với Hóa Thân La Sát trong 32 ứng thân Bồ tát Quan Âm.
- Đức Vương Quan Âm: An tọa trên tảng đá, tay trái để ở trên, tay phải cầm lá xanh hoặc một cành Dương liễu. Tôn này tương đương với Hóa Thân Phạm Vương của Bồ tát Quan Âm. Như trong Phẩm Phổ Môn nói rằng: “Cần phải dùng thân Phạm Vương để hóa độ thì liền hiện thân Phạm Vương mà giảng pháp”. Chủ ý nói Phạm Vương chính là chủ của sắc giới, Đức ấy thù thắng cho nên gọi là Đức Vương.
12. Thủy Nguyệt Quan Âm: Đứng trên một cánh Sen tựa như chiếc thuyền dưới ánh trăng, nổi trên biển quán tưởng mặt trăng trong nước yên tĩnh. Tôn này tương đương với Hóa thân Bích Chi Phật của Bồ tát Quan Âm.
Viết bình luận