Vài tiêu chuẩn kích thước gốc cho Tượng Phật

Vài tiêu chuẩn kích thước gốc cho Tượng Phật

1. Tiêu chuẩn tượng phật

Nghề tạc tượng Làng nghề không mang đủ tính “điển hình” cho các làng nghề tạc tượng gỗ bởi nó thiên về tạc tượng Phật. Trước tiên, ta quan sát từng bước gia công của các nghệ nhân Làng nghề. Từ việc đục phá một khối gỗ tách bỏ phần thừa để “lấy ra” một pho tượng là một quá trình sáng tạo đầy sức hấp dẫn và có thể thấy rằng những tỷ lệ, những quy chuẩn mà hai tác giả trên đã thẩm định không được các làng nghề “nhất nhất đồng quy”. Ngay ở Làng nghề mỗi nghệ nhân, ngoài công thức chung kế thừa của một làng nghề cũng có những thủ pháp, những bí truyền với cách phân, quân tỷ lệ không hoàn toàn giống nhau. Một nghệ nhân Làng nghề chỉ pho tượng Phật bà Quan Âm đang đục dở nói: Chúng tôi “đục” Phật bà ngồi thường là bốn diện (khuôn mặt tính từ chân tóc tới cằm gọi là “mặt diện”. Trong giải phẫu tạo hình hiện đại gọi là “một đầu”). Nhưng cũng có khi Phật ngồi chỉ có ba diện rưỡi, hoặc bốn diện rưỡi. Còn ông này (chỉ một pho tượng đứng) chúng tôi “dựng” bảy diện.

Như vậy, cổ và kim có một điểm chung là đều lấy diện (bằng một đầu) làm chuẩn để tính tỷ lệ. Tỷ lệ tượng ngồi bằng bốn diện và tượng đứng bằng bảy diện rất gần với quy chuẩn “cổ điển” của nghệ thuật tạo hình châu Âu (trong cả điêu khắc và hội họa) và là tỷ lệ được áp dụng với đa số tượng Phật Làng nghè truyền thống. Tỷ lệ đó được phân chia như sau (lấy ví dụ ở tượng đứng):

- Từ chân tóc tới cằm: 1 diện

- Từ cằm tới rốn: 3 diện

- Từ rốn tới gót chân: 3 diện

Cộng: 7 diện

Còn tỷ lệ có thể được coi là “chuẩn mực” trong nghệ thuật tạo hình châu Âu được tính như sau:

- Từ đỉnh đầu tới cằm: 1 đầu

- Từ cằm tới vú: 1 đầu

- Từ vú tới rốn: 1,5 đầu

- Từ rốn tới đầu gối: 2 đầu

- Từ đầu gối tới gót: 2 đầu

Cộng: 7,5 đầu

Ngoài tỷ lệ về chiều cao thân tượng, thợ Sơn Đồng còn tuân thủ theo một số công thức sau: rộng vai tượng: từ 2 đến 4 diện; dài tay: 3 diện; bề dày thân từ 1,5 đến 2 diện. Công thức đó có xê dịch tùy theo tượng béo hay gầy, tượng nam hay nữ (tượng béo có độ dày thân tượng cao, tượng nam vai rộng hơn tượng nữ...). Và đôi khi tỷ lệ này có dung sai rất lớn do những cảm xúc thẩm mỹ trong quá trình tạo tác đưa lại. Chúng tôi đã được xem cả những tượng Kim Cương, tượng Tiên Đồng chỉ cao có 5,5 diện, hoặc tượng Di Lặc (ngồi) cao có 3 diện. Trong khi Phật “nghìn mắt nghìn tay” (ngồi) lại cao 5,5 diện (do cách bố cục kéo dài thân và cánh tay áp thân để “lắp” thêm 8 hoặc 10 đôi tay nữa). Điều đó khẳng định rằng không chỉ có trong điêu khắc đình làng, trong gốm sứ, tượng mỹ nghệ và trong tranh khắc gỗ dân gian, các nghệ nhân tạo hình từ xa xưa đã biết cách “bóp hình”, “đảo khối” để đạt hiệu quả tối đa trong phương pháp nghệ thuật của mình.

2. Quy trình chế tác

Đục tượng bao giờ cũng bắt đầu từ việc chọn gỗ. Nếu như trong việc gia công các mặt hàng gia dụng như bàn ghế, giường tủ, người thợ có thể dùng khá nhiều loại gỗ từ “tứ thiết” đến các loại gỗ tạp hoặc khi gia công các mặt hàng cao cấp sập gụ, tủ chè, sa lông họ cũng có thể dùng vài ba loại như lim, gụ, vàng tâm.v.v... thì hàng tượng Phật chỉ có thể tạc bằng gỗ mít. Đó là chất liệu duy nhất được phát hiện và tin dùng từ lâu.

Gỗ mít theo quan niệm truyền tụng trong dân gian là loại gỗ “thiêng” - rất thích hợp cho việc đóng đồ thờ cúng. Gỗ mít có đặc tính dẻo, mềm, thớ dặm, do vậy tránh được những sơ suất trong khi đục. Gỗ mít còn có độ bền cao, ít nứt, dễ gọt. Nguồn gỗ người Làng nghề mua từ Thanh Hóa, Nghệ An ra, hoặc chở từ Việt Trì, Thái Nguyên xuống. Chủ yếu là gỗ mít rừng vì mít vườn hiếm, khó mua, thân gỗ lại nhỏ. Mặc dù theo kinh nghiệm, thợ tạc tượng cho rằng gỗ mít vườn đục “hay” hơn mít rừng.

Gỗ chở về loại bỏ hết phần giác, chỉ dùng lõi để đục. Dụng cụ đo đạc duy nhất trong tay người thợ là dây đo và một “thước tầm”. Từ mẫu, họ đo thể tích để cắt phần gỗ: chiều cao, chiều ngang và bề dày (kích thước của một khối hình), sau đó cắt “dưỡng” - hình mẫu cắt theo “công tua” hai chiều: chiều nghiêng (nhìn mặt bên tượng) và chiều đứng (nhìn chính diện). Áp từng dưỡng lên khối gỗ, cắt bỏ phần thừa - ta có một khối đại thể giống như mảnh ni lông hoặc mảnh vải trùm lên pho tượng. Đầu, mặt tượng bao giờ cũng được gia công trước tiên. Đục phác thảo những khối mũ (nếu có) rồi trán, mũi, môi, tai.v.v... Các nghệ nhân Sơn Đồng thường làm theo lối “chắc ăn” bằng cách phân đôi khối đầu, lấy đường vạch thẳng bổ giữa sống mũi, xong đục một bên mặt trước; sau đó lấy sống mũi làm trục đối xứng, đục nốt nửa phần còn lại và đối chiếu với các chi tiết bên kia cho cân. Trên khuôn mặt, các nghệ nhân cũng phân chia từng mảng, diện: khoảng cách giữa hai con mắt, từ chân tóc tới chân mày, chiều dài sống mũi, bề rộng cánh mũi, khoảng cách giữa môi trên và môi dưới, từ môi dưới tới cằm, độ dày của môi.v.v... Tai Phật thường to và chảy, phải tính đặt cân đối hợp lý trong khoảng cách từ chân tóc (2 bên đầu) tới cằm, có khi tai chạm vai.

Ví dụ, tạc pho thượng A Di Đà, khi xong phần diện, họ lấy diện làm chuẩn, bắt đầu tính khoảng cách từ cằm tới tay, từ cằm tới khuỷu tay, từ dái tai tới vai, độ cong của lưng, bề rộng của hai vai, chiều cao của cổ.v.v... Sau đó đục dần từ cổ, vai xuống. Ở tượng A Di Đà bề rộng của hai đầu gối (ngồi xếp bằng tròn) thường bằng 60 cm (mẫu tượng to bằng người thật). Nếu khối gỗ không đủ đáp ứng thì phải chắp gỗ từ khi cắt dưỡng để đảm bảo kích thước.

Sau khi đục phá (đục phác lấy dáng chung) một lượt suốt từ diện tới bệ, đến khâu đục chi tiết, người thợ cũng thể hiện dần từng bộ phận. Khâu này được coi là quan trọng nhất trong cả quá trình hoàn thành pho tượng. Trong khi đục vẫn phải phân chia các mảng khối, các khoảng cách và đảm bảo các tỷ lệ “quân bình”, cân xứng. Cuối cùng là khâu gọt, nạo, rồi đánh giấy ráp cho nhẵn. Trong khi gọt người thợ dùng loại đục dẹt, mỏng để tách các chi tiết sao cho các mảng các khối (chân tay và các ngón) khỏi “dính” vào nhau; và thể hiện kỹ các đường lượn, mảng miếng (chỗ nào nổi rõ cần “bật” ra, chỗ nào phải “dìm” đi). Gọt nạo là khâu hoàn chỉnh phần gỗ trước khi chuyển sang phần sơn.

Nếu theo đúng quy trình thì gỗ mang về trước khi đục phải phơi khô. Nhưng người thợ thấy làm thế lâu công (gỗ khô khó đục hơn) nên họ đục ngay khi gỗ còn tươi và sau khi đục xong lại phải chờ cho tượng khô xem có bị nứt nẻ gì không, mặc dù gỗ mít rất ít khi bị nứt, nhưng lại hay bị sâu khoét trong thân, rồi dùng sơn ta trộn mùn cưa bả vào những khuyết tật đó rồi cạo phẳng. Từ chuyên môn gọi khâu này là “kẹt”.

Kỹ thuật sơn son thếp vàng tượng cũng kỳ công như nghệ thuật làm vóc sơn mài. Đầu tiên “hom” tượng bằng sơn trộn đất phù sa (tỷ lệ sao cho không được non sơn, cũng không được già quá) rồi “bó” bằng sơn sống rồi sơn “thí”. Sau mỗi công đoạn đều phải mài tượng bằng đá và nước. Sơn lên rồi lại mài đi, rồi lại sơn lên..., cứ thế bao giờ thấy bề mặt tượng phẳng nhẵn và mọng lên thì dùng một lớp sơn (gọi là sơn cầm thếp) phủ lên. Để sơn cầm thếp se (sờ tay thấy còn hơi dính) thì dán bạc hoặc dán vàng (bạc, vàng quỳ) tùy theo yêu cầu của khách. Quỳ là một loại bột từ vàng, bạc miết trên một tờ giấy mỏng (giấy quỳ). Người ta đem những lá vàng, lá bạc (loại cao tuổi) dát mỏng cắt thành những mảnh vuông, xếp vào giữa những tờ giấy, rồi dùng búa nện đều cho đến khi vàng tan thành bột. Người Thợ mua vàng, bạc quỳ từ làng Kiêu Kỵ, Gia Lâm, một làng lâu đời về nghề làm quỳ.

Hiện nay, thợ Làng nghề ngoài các hợp đồng tượng Phật, còn phát triển cả các loại tượng chân dung, tượng mỹ nghệ xuất khẩu mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho đời sống cộng đồng làng xã.

www.dogophongthuy.com.vn

Được đăng vào

Viết bình luận